Tiểu luận là gì?

Các trường đại học hiện nay sử dụng tiểu luận như một công cụ để kiểm tra kiến thức của sinh viên. Đặc biệt là đối với các môn học đại cương như: Triết học Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng,… Thông qua bài tiểu luận, các bạn cần phải trình bày những nghiên cứu hay quan điểm cá nhân của mình về một chủ đề để từ đó đưa ra kết luận, đề xuất ý kiến, hướng phát triển mới cho quan điểm nghiên cứu.

Khác với một bài luận văn dài 30 – 50 trang, tiểu luận chỉ là một bản thu nhỏ của luận văn, vì vậy người viết cần trình bày gói gọn nội dung quan điểm của mình trong 15 – 20 trang. Nội dung của tiểu luận cũng yêu cầu ít sự chi tiết hơn, hầu hết các bài tiểu luận được giao ở đại học chỉ để kiểm tra sự hiểu bài và khả năng áp dụng kiến thức của bạn.

Các bước viết một bài tiểu luận

Bước 1: Lên ý tưởng cho bài tiểu luận

Sau khi chọn được đề tài cho bài tiểu luận hoặc nhận được đề tài được giao từ thầy cô. Việc đầu tiên các bạn cần làm là suy nghĩ ra một vài ý tưởng, quan điểm cá nhân về đề tài. Một vài người thường thực hiện bước này trong đầu và chọn ghi nhớ những ý tưởng đó. Tuy nhiên, việc chỉ “viết” lại trong đầu như vậy sẽ rất dễ khiến ý tưởng bị “lạc mất”. Chính vì vậy, các bạn nên viết xuống mọi ý tưởng ngay khi chúng xuất hiện. Một mẹo hay mà bạn có thể áp dụng đó là note những ý tưởng này vào ghi chú trong điện thoại vì ý tưởng thì có thể nảy ra bất kì lúc nào.

Nếu bạn được quyền chọn đề tài cho bài tiểu luận, đừng chỉ chọn một đề tài mà bạn cảm thấy hứng thú. Hãy nghĩ đến những đề tài mà bạn có những hiểu biết nhất định về nó trước, lọc lấy chúng rồi mới chọn một đề tài mà bạn cảm thấy thích nhất.

Bước 2: Lập dàn ý cho bài tiểu luận

Lập dàn ý là bước cực kì quan trọng và không thể bỏ qua trong quá trình tạo ra một bài tiểu luận đủ tốt. Đừng coi thường bước này bởi vì dàn ý sẽ giúp bạn phát triển bài theo thứ tự hợp lý, logic và không mắc phải sai sót bỏ một phần nào đó trong bài. Ngoài ra, việc tạo thói quen lập dàn ý cũng sẽ có ích cho bạn ngay cả trong các công việc khác, giúp bạn tạo dựng cách sống và làm việc chỉn chu hơn. Trong dàn ý, bạn nên đưa ra quan điểm chính thức, khung cho các luận điểm và ghi chú lại một vài dữ liệu cũng như ví dụ có thể sử dụng trong quá trình làm bài.

Bước 3: Phát triển dàn ý thành bài tiểu luận hoàn chỉnh

Một bài tiểu luận thường sẽ có 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Các phần này thường được đánh số thành một chương hay nhiều chương, ví dụ: Chương 1: Tổng quan về ABC.

1. Mở bài

Mở bài là nơi bạn giới thiệu và khái quát chủ đề của bài tiểu luận từ đó dẫn dắt nội dung bài tới những luận điểm chính. Ngoài ra, ở mở bài, bạn cũng nên tóm tắt lại những ý chính mà bạn sẽ nêu trong bài cũng như trình tự của các ý đó để người đọc dễ theo dõi tổng quát bài luận.

Chương này thường bao gồm các phần: Giới thiệu đề tài, lý do chọn đề tài, bối cảnh, phạm vi nghiên cứu của đề tài, mục đích của đề tài.

2. Thân bài

Thân bài có thể gồm nhiều chương, nhiều phần. Trong đó, mỗi chương mỗi phần sẽ chứa những luận điểm, luận cứ khác nhau. Các luận điểm này cần phải đúng trọng tâm và góp phần củng cố cho quan điểm của bạn đối với đề tài.

Để những luận điểm của bạn trở nên đáng tin, hãy thêm vào những thông tin và dữ liệu mà bạn tìm kiếm được. Bạn cũng có thể sử dụng các ví dụ để luận điểm của mình trở nên dễ hiểu hơn. Thầy cô thường rất đề cao việc bạn có thể sử dụng ví dụ để chứng minh luận điểm. Bởi vì điều này chứng tỏ bạn đã hiểu rõ về chủ đề của mình.

Nếu bạn có nhiều luận điểm, hãy đặt tiêu đề cho từng luận điểm để giúp bài tiểu luận trở nên rõ ràng, mạch lạc và dễ theo dõi hơn.

3. Kết bài

Nếu như mở bài là nơi bạn đưa người đọc đi từ khái quái tới chi tiết thì kết bài sẽ ngược lại. Kết bài sẽ là nơi bạn tổng quát lại những luận điểm đã đưa ra và khẳng định lại quan điểm của mình. Ngoài ra, bạn nên đưa ra những hạn chế của bài tiểu luận và hướng nghiên cứu trong tương lai.

Bước 4: Trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo

Trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo không phải một phần giúp bạn được cộng điểm, nhưng nếu không có phần này thì chắc chắn bài viết của bạn sẽ bị trừ điểm. Chính vì vậy nên các bạn hãy chắc chắn rằng luôn luôn trích dẫn nguồn cho mọi thông tin được lấy từ nguồn khác. Trong quá trình sử dụng các thông tin và dữ liệu từ nhiều nguồn khác cho bài tiểu luận, hãy ghi chú lại các nguồn đó. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đi tìm lại nguồn cho các thông tin cần trích dẫn. Ngoài ra, bạn cần trích dẫn nguồn theo một chuẩn nhất định, ví dụ như: APA hoặc IEEE.

Bước 5: Kiểm tra lại chỉnh tả, ngữ pháp và tỷ lệ đạo văn cho bài tiểu luận

Sau khi hoàn thành nội dung, bạn nên kiểm tra lại một lượt bài tiểu luận để chắc chắn rằng không còn lỗi chính tả hay lỗi ngữ pháp nào tồn tại. Ngoài ra, hầu hết các trường đại học đều có quy định riêng về tỷ lệ trùng lặp cho phép, vậy nên cũng đừng quên tải thành quả của mình lên các phần mềm, trang web như Kiểm Tra Tài Liệu để chắc chắn rằng tỷ lệ trùng lặp trong bài của mình không vượt quá mức độ được cho phép.

Kết luận

Bài viết trên đã giới thiệu đến bạn sơ lược thông tin cũng như cách để hoàn thiện một bài tiểu luận chuẩn. Tuy rằng tiểu luận không quá khó viết nhưng để viết ra được một bài tiểu luận hoàn chỉnh và đúng quy cách, thì bạn cũng cần đặt rất nhiều tâm huyết và công sức vào nó. Hy vọng sau bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn khái niệm về tiểu luận cũng như có thể áp dụng 5 bước trên một cách hiệu quả vào quá trình viết bài tiểu luận của mình. Chúc các bạn đạt điểm thật tốt cho bài tiểu luận!

Related Posts