Trích dẫn tài liệu tham khảo là gì?

Trong quá trình làm tiểu luận, luận văn hay các công trình nghiên cứu khoa học khác, chắc hẳn bạn cũng đã tiếp xúc với việc phải trích nguồn tài liệu tham khảo. Trích dẫn tài liệu tham khảo hiểu đơn giản là ghi lại nguồn cho các thông tin, dữ liệu, hình ảnh,… được bạn sử dụng trong tác phẩm của mình nhưng có nguồn gốc ở tác phẩm, tài liệu khác. Trích nguồn tài liệu tham khảo không khó nhưng nó yêu cầu người làm phải biết và tuân thủ theo đúng theo chuẩn trích dẫn. Việc dẫn nguồn tài liệu tham khảo sẽ được tách thành một phần riêng trong bài luận gọi là Tài liệu tham khảo và được đặt ở cuối tác phẩm.

Mục đích của việc trích dẫn tài liệu tham khảo

Trích dẫn tài liệu tham khảo không chỉ giúp cho tác phẩm của bạn tránh khỏi việc bị quy kết là đạo văn, mà nó còn là tôn trọng c giả gốc của dữ liệu công sức của tác giả của nguồn dữ liệu gốc mà bạn đã lấy tham khảo. Trích dẫn cũng là để người đọc có thể dễ dàng tìm thấy được nguồn gốc của thông tin nhằm xác minh tính chính xác hoặc để có thể đọc, tìm hiểu thêm về thông tin đó. Dẫn nguồn tài liệu tham khảo còn là hành động thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với sự liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học.

Các cách trích dẫn tài liệu tham khảo đúng chuẩn

1. Trích dẫn theo chuẩn APA

Chuẩn APA được tạo ra bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (The American Psychological Association) vào năm 1929 để đặt ra một quy chuẩn chung cho các nhà nghiên cứu trong việc dẫn nguồn tài liệu tham khảo. APA cũng là chuẩn trích dẫn được sử dụng phổ biến nhất trong giới học thuật. Kể từ ngày ra mắt, APA được thay đổi với nhiều phiên bản, trong đó phiên bản mới nhất là phiên bản thứ 7 ra mắt vào năm 2020.

APA sử dụng phương pháp trích dẫn theo định dạng: Tác giả – năm. Tuy nhiên đối với mỗi dạng nguồn khác nhau, định dạng trích dẫn APA cũng thay đổi để phù hợp với nguồn đó. Ví dụ như:

Sách: (Các) tác giả. (Thời gian xuất bản). Tựa sách. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.

Ví dụ: Nguyễn Nhật Ánh. (2019). Mắt biếc. Việt Nam: Nhà xuất bản Trẻ.

Tạp chí, bài báo: (Các) tác giả. (Thời gian phát hành). Tiêu đề bài báo. Tiêu đề tạp chí, số tập (số phát hành). số trang. DOI (Nếu có): yy.yyyyyyyyy.

Ví dụ: Nguyễn Thuỳ Chinh, Hoàng Thái. (2023). Review: emulsion techniques for producing polymer based drug delivery systems. Vietnam Journal of Science and Technology,  vol. 61, no. 1. pp. 1–26. 10.15625/2525-2518/17666

Luận văn, luận án: (Các) tác giả. (Thời gian phát hành). Tiêu đề (Loại luận văn, Cơ sở đào tạo, Địa điểm).

Ví dụ: Ngô Thành Hưng. (2021). Đánh giá kết quả phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki điều trị bệnh van động mạch chủ đơn thuần tại bệnh viện E (Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Y Hà Nội, Việt Nam).

Website: (Các) tác giả. (Thời gian phát hành). Tiêu đề bài viết truy cập. Thời gian truy cập, từ http://…. (Địa chỉ URL của trang web). Nếu không tìm được tên tác giả, bạn thay thể bằng tên trang web.

Ví dụ: Ngân hàng thế giới. (2018). Báo cáo Chỉ số năng lực Logistics 2018. Truy cập ngày 16/09/2020, từ: http://www.worldbank.lpi.com/

2. Trích dẫn theo chuẩn MLA

Chuẩn MLA được tạo ra bởi Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại (Modern Language Association). Tuy không phổ biến như APA nhưng MLA cũng được biết đến như một quy chuẩn trích dẫn tài liệu tham khảo thông dụng đối với giới nghiên cứu học thuật. Đến nay, Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại đã cho ra mắt phiên bản thứ 8 của MLA. Cũng giống với APA, MLA cũng có những định dạng khác nhau cho các dạng nguồn khác nhau như:

Sách: Tên tác giả. Tên sách. Nhà xuất bản, năm xuất bản.

Ví dụ: Nguyễn Nhật Ánh. Mắt biếc. Nhà xuất bản Trẻ, 2019.

Tạp chí, bài báo: (Các) tác giả. “Tên bài báo.” Tên báo, số báo, năm phát hành, số trang. Địa chỉ URL trực tiếp (hoặc DOI (Nếu có): yy.yyyyyy).

Ví dụ: Nguyễn Thuỳ Chinh, Hoàng Thái. “Review: emulsion techniques for producing polymer based drug delivery systems.” Vietnam Journal of Science and Technology, vol. 61, no. 1, 2023, pp. 1–26. 10.15625/2525-2518/17666.

Luận văn, luận án: (Các) tác giả. “Tên chương, tên luận văn/luận án.” Nhà phát hành, Năm phát hành, số trang.

Ví dụ: Ngô Thành Hưng. “Chương 1: Tổng quan, Đánh giá kết quả phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki điều trị bệnh van động mạch chủ đơn thuần tại bệnh viện E.” Đại học Y Hà Nội, 2021.

Website: (Các) tác giả. “Tên trang truy cập”. Tên website, thời gian phát hành, địa chỉ URL trực tiếp. (Nếu không có tên tác giả thì sử dụng tên website.

Ví dụ: Ngân hàng thế giới. “Báo cáo Chỉ số năng lực Logistics 2018”. 2018, từ: http://www.worldbank.lpi.com/

3. Trích dẫn theo chuẩn IEEE

Chuẩn trích dẫn IEEE có nguồn gốc từ Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers). Vì nguồn gốc này mà IEEE thường được sử dụng phổ biến hơn trong các lĩnh vực liên quan tới kỹ thuật. Nguyên tắc cơ bản của IEEE là trích dẫn theo số, tức là khi bạn trích nguồn thông tin từ nguồn khác, bạn đánh số phần trích dẫn đó lại bằng số được đặt trong ngoặc vuông (ví dụ: [1]). Sau đó, ở phần Tài liệu tham khảo, bạn sẽ trích dẫn từng nguồn theo thứ tự: [1], [2], [3],… IEEE cũng có những định dạng khác nhau cho các dạng nguồn khác nhau như sau:

Sách: [Số] Tên tác giả, Tên sách, phiên bản. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản, năm xuất bản.

Ví dụ: [1] Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc, tái bản 2019. Việt Nam: Nhà xuất bản Trẻ, 2019.

Tạp chí, bài báo: [Số] Tên tác giả, “Tên bài báo”, Tên tạp chí, số báo, số trang, ngày phát hành. Địa chỉ URL (Nếu là tạp chí điện tử)

Ví dụ: [4] T. C. Nguyen and H. Thai, “Review: emulsion techniques for producing polymer based drug delivery systems”, Vietnam J. Sci. Technol., vol. 61, no. 1, pp. 1–26, Feb. 2023.

Luận văn, luận án: [Số] Tên tác giả, “Tên luận văn/luận án,” Kiểu luận văn, Tên ngành, Tên Trường Đại học, Nơi phát hành, Năm.

Ví dụ: [3] Ngô Thành Hưng, “Đánh giá kết quả phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki điều trị bệnh van động mạch chủ đơn thuần tại bệnh viện E,” Luận án Tiến sĩ, Ngoại khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, Việt Nam, 2021.

Website: [Số] Tên tác giả/Tên website. (Năm, tháng. Ngày phát hành). Tên trang truy cập [Online]. Địa chỉ URL

Ví dụ: [2] Ngân hàng thế giới. (2018). Báo cáo Chỉ số năng lực Logistics 2018 [Online]. Từ: http://www.worldbank.lpi.com/

Lời kết

Bên cạnh những chuẩn trích dẫn được đề cập trong bài viết, còn rất nhiều quy chuẩn trích dẫn khác như: ACS, Chicago, AAPS,… Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo hai trang web sau: https://www.citationmachine.net/https://www.mendeley.com/reference-management/mendeley-cite. Đây là các trang web hỗ trợ các bạn trích dẫn tài liệu tham khảo một cách tự động với nhiều chuẩn trích dẫn bao gồm cả: APA, MLA, IEEE, ACS, Chicago, AAPS,…

Việc lựa chọn chuẩn trích dẫn nào là phụ thuộc vào tác giả của công trình. Tuy nhiên, tác giả nên biết rằng cần phải sử dụng một chuẩn thống nhất cho tất cả các nguồn được trích dẫn. Bài viết này đã đưa ra thông tin và cách trích dẫn chi tiết cho 3 chuẩn trích dẫn được sử dụng rộng rãi là: APA, MLA và IEEE. Hy vọng các thông tin này sẽ hỗ trợ được các bạn trong việc trích dẫn tài liệu tham khảo cho các tác phẩm học thuật của mình.

Related Posts