Sơ lược về báo cáo thực tập

Thực tập là một học phần có trong hầu hết chương trình học của các trường đại học. Khác với các học phần được chấm điểm dựa trên cả quá trình học tập, bài kiểm tra giữa kì, bài kiểm tra cuối kì, học phần thực tập được các thầy cô chấm điểm dựa trên bản báo cáo thực tập. Đó là bản ghi chép, tổng kết lại quá trình học hỏi và làm việc của sinh viên tại đơn vị thực tập. Một báo cáo thực tập chuyên nghiệp và chỉn chu không chỉ giúp học phần thực tập chuyên nghành của bạn đạt kết quả tốt mà còn giúp nâng cao cơ hội xin việc sau này của bạn.

Cách viết một báo cáo thực tập

1. Cấu trúc của báo cáo thực tập

Tuy không có quy định chung cho cấu trúc của báo cáo thực tập, nhưng thông thường các báo cáo sẽ được trình bày theo các mục như sau:

  • Bìa báo cáo (bìa trong và bìa ngoài)
  • Lời cảm ơn (các bạn nên đưa ra lời cảm ơn đối với thầy cô hướng dẫn; cảm ơn đơn vị thực tập; cảm ơn những người thân, người quen đã tham gia vào giúp đỡ quá trình thực hiện báo cáo)
  • Danh mục bảng biểu (nếu có)
  • Danh mục từ viết tắt (nếu có)
  • Mục lục
  • Nội dung chính của báo cáo thực tập

2. Hình thức của báo cáo thực tập

Để tạo ra được một bài báo cáo thực tập chuẩn chỉnh, các bạn nên sử dụng các định dạng thống nhất trong suốt quá trình viết báo cáo như:

  • Bìa báo cáo ngoài cần được in bìa màu và đóng khung
  • Bìa báo cáo trong in giấy trắng và không đóng khung
  • Khổ giấy: A4, in một mặt
  • Báo cáo tối thiểu không dưới 12 trang A4; số trang đánh ở giữa mỗi trang
  • Phông chữ: Times New Roman; cỡ chữ: 13; cách dòng: 1.3
  • Kiểu gõ bảng mã: Unicode
  • Kích thước lề trên và lề dưới: 25mm; lề trái 35mm; lề phải 25mm
  • Đánh số thứ tự các bảng, hình ảnh, sơ đồ/ bản đồ, ghi tên ở đầu mỗi bảng và ghi rõ tên bảng vào Danh mục bảng biểu
  • Hạn chế từ viết tắt, nếu viết tắt cần ghi rõ từ viết tắt vào Danh mục từ viết tắt

Nội dung chính của báo cáo thực tập

Lời mở đầu

Lời mở đầu không hàm chứa nội dung chi tiết của báo cáo tuy nhiên nó vẫn cực kì quan trọng vì đây sẽ là phần đầu tiên để gây ấn tượng với người đọc về chủ đề của báo cáo. Viết được một lời mở đầu đầy đủ ý, tóm lược được đề tài sẽ giúp bạn trong việc liên kết những nội dung chính cho bản báo cáo. Chính vì vậy, lời mở đầu sẽ thường có: giới thiệu chung, lý do thực tập, bối cảnh và đề tài nghiên cứu (nếu có) trong quá trình thực tập.

Chương 1: Giới thiệu chung về đơn vị thực tập

Trong phần này, bạn cần cung cấp thông tin tổng quan về đơn vị mà bạn lựa chọn để thực tập. Phần này sẽ giúp người đọc hình dung được một phần môi trường thực tập của bạn. Một vài thông tin mà bạn nên đưa vào, ví dụ như:

  • Tên đơn vị thực tập
  • Một số thông tin được công khai: Địa chỉ, số điện thoại, website, email,…
  • Vị trí, chức năng của đơn vị
  • Nhiệm vụ và quyền hạn
  • Cơ cấu tổ chức
  • Quá trình hình thành và phát triển
  • Những thành tựu và hạn chế của đơn vị thực tập

Chương 2: Cơ sở lý thuyết

Nội dung của chương này bao gồm những lý thuyết bạn học được trong quá trình học tập tại trường và sơ lược cách bạn áp dụng những kiến thức đó vào việc giải quyết các công việc được giao trong quá trình thực tập tại đơn vị. Đây là một phần khá khó viết vì nó yêu cầu bạn phải nắm chắc được nội dung lý thuyết và biết được mình đã sử dụng lý thuyết như thế nào, đã hợp lý chưa?

Cơ sở lý thuyết về khái niệm thương hiệu, bản sắc thương hiệu

Chương 3: Nội dung công việc thực tập tại đơn vị

Đây là chương vô cùng quan trọng vì nó báo cáo lại toàn bộ hành trình thực tập của bạn. Chương 3 này cũng được coi là chương chiếm nhiều điểm nhất trong quá trình đánh giá của thầy cô giảng viên của trường đại học. Thông thường, trong chương này sẽ bao gồm:

  • Mốc thời gian thực tập
  • Những công việc được đơn vị phân công
  • Phương thức, quy trình thực hiện công việc
  • Những kỹ năng, kiến thức thu thập được trong quá trình thực tập
  • Những thuận lợi trong quá trình thực tập
  • Những khó khăn trong quá trình thực tập

Chương 4: Kết luận và kiến nghị

Trong phần này, các bạn cần đúc kết lại kinh nghiệm của bản thân, đưa ra những kết luận cuối cho đề tài đã đề cập ở phần lời mở đầu. Những kết luận này nên được đưa ra từ những thông tin, dữ liệu xác đáng và có căn cứ cụ thể. Phần này thường sẽ có các đề mục sau:

  • Điểm mạnh và hạn chế của bản thân trong quá trình thực tập
  • Giải pháp thúc đẩy điểm mạnh và loại bỏ những hạn chế của bản thân
  • Kiến nghị đối với đơn vị thực tập (Kiến nghị về các vấn đề còn tồn tại cũng như đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề đó cho doanh nghiệp)
  • Đưa ra đánh giá với quy trình giảng dạy của trường (Nêu ra những hạn chế trong kiến thức lý thuyết trên trường, định hướng thay đổi mong muốn đối với những hạn chế đó.

Kết luận

Bài viết này đã giải thích cơ bản về báo cáo thực tập cũng như các nội dung và quy cách trình bày một báo cáo. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý rằng mỗi trường đại học hoặc các thầy cô hướng dẫn có thể có thêm những yêu cầu khác đối với nội dung của báo cáo. Chính vì vậy, các bạn nên tìm đọc hoặc hỏi ý kiến các thầy cô trong trường những nội dung cụ thể nhất của một báo cáo thực tập trước khi chính thức bắt tay vào làm. Chúc báo cáo thực tập của các bạn đạt được kết quả tốt nhất!

Related Posts