Sáng kiến kinh nghiệm là gì?
Sáng kiến kinh nghiệm là những ý tưởng, những sáng tạo và cải tiến mới mà tác giả đúc kết ra từ những tri thức, kĩ năng, vốn hiểu biết được tích luỹ trong một thời gian dài sau quá trình công tác và làm việc. Sáng kiến kinh nghiệm đưa ra những phương pháp giúp giảm thiểu, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công việc mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả từ đó góp phần thúc đẩy sự đổi mới, tiến bộ nâng cao hiệu suất của các lĩnh vực của cuộc sống.
Sáng kiến kinh nghiệm không phải một khái niệm phổ biến đối với đại chúng nhưng lại rất thông dụng trong ngành giáo dục. Các thầy cô giáo thường là những người phải tiếp xúc với khái niệm này thường xuyên nhất và cũng là nhóm đối tượng sẽ tạo ra nhiều những sáng kiến kinh nghiệm nhất. Sáng kiến kinh nghiệm giúp thúc đẩy những sự đổi mới tích cực trong ngành giáo dục – ngành luôn cần được ưu tiên hàng đầu của nước ta.
Cách viết một sáng kiến kinh nghiệm
1. Đặt vấn đề và chọn tên đề tài
Bản chất của sáng kiến kinh nghiệm là những ý tưởng nảy ra từ chính những vấn đề thực tiễn mà bạn gặp phải trong công việc hằng ngày. Chính vì vậy, bạn nên chọn lọc các đề tài thuộc các lĩnh vực mà bản thân có những hiểu biết, kinh nghiệm công tác thực hành nhất định. Tên đề tài là một phần vô cùng quan trọng, nó giúp người đọc và cả người viết không bị chệch hướng trong quá trình đọc và làm nghiên cứu. Vì thế tên đề tài nên được xác định đúng trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu.
2. Lập đề cương chi tiết
Việc lập đề cương là một bước không nên bỏ qua trong quá trình làm sáng kiến kinh nghiệm. Có một đề cương chi tiết là đảm bảo cho việc làm sáng kiến của bạn không bị gián đoạn vì thiếu hụt thông tin cũng như đảm bảo tính logic của đề tài. Đề cương càng chi tiết bao nhiêu thì việc phát triển sáng kiến kinh nghiệm sau này sẽ càng dễ thực hiện bấy nhiêu. Trong đề cương, bạn nên tổng hợp các thông tin về:
- Tổng hợp các đề mục và thông tin chính của từng đề mục.
- Lập danh sách các dữ liệu, thông tin và tư liệu hữu ích đối với quá trình làm sáng kiến. Danh sách dữ liệu nên bao gồm cả tài liệu lý thuyết và số liệu thực hành thực tiễn.
- Định hướng phát triển cho đề tài: vấn đề đặt ra, ý tưởng giải quyết vấn đề, quy trình thực hiện, hiệu quả của sáng kiến.
3. Phát triển đề cương thành sáng kiến kinh nghiệm hoàn chỉnh
Sáng kiến kinh nghiệm gồm 3 phần nội dung chính: phần mở đầu; phần nội dung; phần kết luận và kiến nghị.
Phần mở đầu
Phần mở đầu xoay quanh việc giới thiệu tổng quan về đề tài của sáng kiến. Bạn nên xác định và nêu ra được lý do lựa chọn đề tài, tính cấp thiết của đề tài, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, giả thiết khoa học và thời gian nghiên cứu. Đặc biệt, tác giả cần đưa ra được điểm mới, điểm sáng tạo của sáng kiến, cần chắc chắn rằng chưa có ai đưa ra một sáng kiến tương tự trước đây.
Phần nội dung
a. Cơ sở lý luận của vấn đề:
Giải thích một số lý luận, giả thuyết hoặc từ ngữ chuyên ngành sẽ được nhắc đến/sử dụng trong sáng kiến kinh nghiệm. Những lý luận này sẽ là nền tảng gốc để định hướng cho toàn bộ nội dung của sáng kiến và giúp người đọc hiểu rõ ngữ cảnh, tình huống chung của vấn đề được đặt ra. Ngoài ra, những lý luận này cũng góp phần giúp người viết đi đúng hướng trong việc tìm ra giải pháp, cách thức giải quyết thực tế cho vấn đề.
b. Thực trạng của vấn đề:
Nêu ra tình trạng của vấn đề, so sánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong quá khứ và hiện tại, dự đoán về hướng phát triển nó trong tương lai. Đối với hiện tại, cần phân tích rõ về thuận lợi và khó khăn mà tác giả gặp phải trong quá trình công tác. Đặc biệt phải làm nổi bật lên các khó khăn đang được đặt thành vấn đề cần giải quyết của đề tài. Nêu rõ được nguyên nhân của những khó khăn này, phân tích yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan.
c. Các phương pháp đã thực hành để giải quyết vấn đề:
Viết và làm rõ quy trình, các bước của từng biện pháp đã được tác giả thực hành để giải quyết các khó khăn trong vấn đề. Phân tích rõ những thuận lợi trong việc thực hành và cả những bất cập, khó khăn đã diễn ra như thế nào.
d. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm:
Ghi lại rõ quá trình thực hành các giải pháp. Thực hiện ở đâu? Thực hiện trên đối tượng nào? So sánh kết quả thay đổi so với thực trạng của vấn đề trước khi áp dụng giải pháp ra sao? Trình bày đi kèm rõ số liệu về quy mô và kết quả thực hành.
Phần kết luận và kiến nghị
Đánh giá tổng quan lại toàn bộ sáng kiến: Kết quả, tính khả thi, ý nghĩa của đề tài đối với cộng đồng. Tóm lược lại các giải pháp để giúp người đọc một lần nữa hình dung lại sáng kiến. Khẳng định hiệu quả của các giải pháp đã được thực hiện, đồng thời nêu ra những hạn chế vẫn còn tồn tại.
Đề xuất cách thức, phạm vi, quy mô áp dụng kết quả nghiên cứu sáng kiến và phương hướng nghiên cứu tiếp trong tương lai.
4. Trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo
Trong quá trình làm sáng kiến, bạn nên ghi chú lại các nguồn thông tin, dữ liệu thứ cấp được thu thập và sử dụng trong quá trình nghiên cứu. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm lại nguồn gốc của những dữ liệu đó. Trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo không chỉ bởi vì tôn trọng tác giả gốc của dữ liệu mà còn là để trân trọng và bảo vệ sáng kiến kinh nghiệm của bản thân. Bởi vì không trích dẫn nguồn tham khảo có thể biến sáng kiến của bạn trở thành đạo văn. Ngoài ra, bạn nên sử dụng các chuẩn APA hoặc IEEE để trích dẫn tài liệu tham khảo.
5. Kiểm tra tỷ lệ trùng lặp, đạo văn cho bài tiểu luận
Sau khi hoàn thành nội dung, ngoài việc kiểm tra lại một lượt bài tiểu luận để chắc chắn rằng không còn lỗi chính tả hay lỗi ngữ pháp nào tồn tại. Thì bạn cũng nên sử dụng các phần mềm, trang web như Kiểm Tra Tài Liệu để chắc chắn rằng tỷ lệ trùng lặp trong bài của mình không vượt quá mức độ được cho phép. Bởi vì việc có tỷ lệ trùng lặp hay đạo văn quá cao là một điều cấm kị đối với sáng kiến kinh nghiệm.
Kết luận
Bài viết này đã đưa ra những thông tin sơ lược cũng như cách thức, quy trình viết một sáng kiến kinh nghiệm đến các bạn. Có thể nói sáng kiến kinh nghiệm yêu cầu cao về sự sáng tạo cũng như rất được xã hội đề cao bởi tính tạo ra sự mới mẻ của nó. Hy vọng sau khi đọc bài viết các bạn đang mong muốn thực hiện sáng kiến kinh nghiệm của riêng mình có thể hiểu hơn về nó và hoàn thiện được một sáng kiến kinh nghiệm đạt chất lượng tốt.