Sơ lược về khoá luận tốt nghiệp

Khoá luận tốt nghiệp là một nghiên cứu học thuật chuyên về một lĩnh vực nào đó, nó thường được tạo ra bởi các sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Mục đích của khoá luận tốt nghiệp là để người học thể hiện được khả năng, sự hiểu biết sâu về chuyên môn ngành học của họ. Hội đồng trường sẽ sử dụng khoá luận tốt nghiệp như một công cụ để đánh giá lại kiến thức và kĩ năng áp dụng lý thuyết của sinh viên sau quá trình theo học tại trường. Ngoài ra, khoá luận cũng giúp người học trau dồi và củng cố lại toàn bộ những kiến thức đã được học vào thực tiễn, cũng như để củng cố sự tự tin, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Cấu trúc của một khoá luận tốt nghiệp

1. Trang bìa khoá luận tốt nghiệp

Luận văn tốt nghiệp cần có trang bìa trong và trang bìa ngoài. Trang bìa ngoài sẽ được in màu trên giấy màu và đóng khung lại, trong khi trang bìa trong được in trên giấy trắng và không cần đóng khung. Nội dung trên bìa khoá luận tốt nghiệp cần có:

  • Tên trường, tên khoa, viện và logo trường
  • Tên đề tài viết in hoa
  • Tên chuyên ngành
  • Tên giảng viên hướng dẫn
  • Tên người thực hiện, mã sinh viên, lớp, khoá, hệ
  • Địa chỉ, ngày/tháng/năm nộp khoá luận

2. Danh mục bảng biểu, danh mục hình ảnh, danh mục từ viết tắt

Các danh mục này không phải nội dung chính của khoá luận tốt nghiệp tuy nhiên chúng hỗ trợ người đọc và cả người viết khoá luận theo dõi nội dung chính một cách dễ dàng hơn. Các bảng biểu và hình ảnh sẽ được đánh số và đưa vào từng danh mục theo thứ tự xuất hiện của chúng trong bài luận. Điều này giúp người đọc khoá luận tìm ra đúng bảng biểu hay hình ảnh mình cần một cách nhanh chóng. Đối với danh mục từ viết tắt, không nên lạm dụng danh mục này, các bạn nên hạn chế tối đa số lượng từ viết tắt trong bài bởi vì quá nhiều từ viết tắt sẽ dẫn đến việc nội dung khoá luận dễ bị rối và khó đọc.

3. Lời cảm ơn và lời cam đoan

Lời cảm ơn và lời cam đoan là hai phần bắt buộc của khoá luận tốt nghiệp. Trong lời cảm ơn, bạn cần cảm ơn các thầy cô hướng dẫn và cả các thầy cô dạy bạn các học phần quan trọng liên quan đến nội dung chính của khoá luận tốt nghiệp. Bạn cũng nên cảm ơn Ban chủ nhiệm khoa và tất cả các thầy cô trong khoa đã tạo điều kiện để bạn hoàn thành khoá luận tốt nghiệp. Người thân và bạn bè đã hỗ trợ bạn cũng là những người nên nhận được lời cảm ơn. Câu kết bạn có thể sử dụng để thể hiện rằng mình rất đón nhận những góp ý quý báu của thầy cô và sẽ ghi nhận sửa đổi.

Trong lời cam đoan, bạn cần cam đoan rằng nội dung đề tài là một công trình nghiên cứu độc lập của bạn dưới sự hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn. Ngoài ra bạn cũng cần cam đoan không sao chép, đạo văn công trình của người khác; cam đoan toàn bộ số liệu, thông tin, dữ liệu trong bài là có thật và chính xác. Cuối cùng, bạn cần cam đoan sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, kỷ luận của bộ môn và nhà trường nếu khoá luận tốt nghiệp của bạn xảy ra vấn đề.

4. Mục lục

Mục lục thường được đặt ở trước nội dung chính và là một danh sách bao gồm toàn bộ các tiêu đề lớn của khoá luận kèm với số trang tương ứng của từng tiêu đề. Mục lục nhằm giúp cho người đọc và người viết có thể mở đến trang chứa nội dung mong muốn một cách dễ dàng mà không cần lật tìm từng trang một. Mặc dù được đặt ở đầu, mục lục thường là phần được hoàn thiện cuối cùng của khoá luận.

5. Lời mở đầu

Lời mở đầu là nơi bạn giới thiệu tổng quan về đề tài của mình và dẫn dắt người đọc đi vào nội dung chính. Trong lời mở đầu, bạn nên tóm lược một chút về toàn bộ nội dung chính của khoá luận, ngoài ra, lời mở đầu cũng bao gồm các phần như: Bối cảnh của nghiên cứu, lý do lựa chọn đề tài, mục tiêu của khoá luận, vấn đề của đề tài, khách thể và phạm vi nghiên cứu, và cấu trúc của đề tài.

6. Phần nội dung chính của khoá luận tốt nghiệp

Chương 1: Cơ sở lý thuyết

Giải thích một số lý luận, giả thuyết hoặc từ ngữ chuyên ngành sẽ được nhắc đến/sử dụng trong khoá luận. Những lý luận này sẽ là nền tảng gốc để định hướng cho toàn bộ nội dung của khoá luận và giúp người đọc hiểu rõ ngữ cảnh, tình huống chung của vấn đề được đặt ra. Ngoài ra, những cơ sở lý thuyết này cũng góp phần làm rõ với người đọc về đề tài nghiên cứu của bạn.

Chương 2: Phương pháp luận

Trong chương này, bạn cần đặt ra những câu hỏi nghiên cứu, xây dựng quy trình nghiên cứu, phương pháp thu thập dữ liệu, xây dựng mô hình và thang đo bạn sẽ sử dụng cho khoá luận. Tuỳ vào cách thức nghiên cứu mà bạn chọn là nghiên cứu định lượng hay nghiên cứu định tính, phương pháp thu thập dữ liệu, mô hình và thang đo của bạn sẽ thay đổi khác đi.

Tuỳ vào cách thức và loại dữ liệu mà bạn thu thập được cũng sẽ có những cách phân tích dữ liệu khác nhau. Ví dụ đối với dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu tại bàn thì bạn cần chọn lọc được những dữ liệu cần thiết cho khoá luận của mình và đảm bảo được độ chính xác của chúng. Còn đối với các dữ liệu sơ cấp thu được từ phương pháp định lượng, bạn cần lọc và làm sạch dữ liệu rồi chạy phần mềm thống kê để có được dữ liệu bạn cần.

Chương 3: Kết quả

Trong phần kết quả, bạn cần đưa ra những thông tin, dữ liệu đã thu thập được bằng bảng biểu, hình ảnh số liệu cụ thể, sử dụng thống kê mô tả, các phép thông kê đánh giá, đưa ra những lý luận, quan điểm từ những dữ liệu đó. Liên kết các thông tin và dữ liệu thu thập lại được để đưa ra những luận điểm mới. Những thông tin được đưa vào phần này cần làm nổi bật lên những kết luận được đưa ra và đảm bảo tính liên kết của chúng.

7. Khuyến nghị và hạn chế của khoá luận tốt nghiệp

Đây là một phần cực kỳ quan trọng của khoá luận. Ở đầu phần này, bạn nên làm ngược lại với phần lời mở đầu, nếu lời mở đầu đi từ khái quát đến chi tiết thì ở kết luận bạn sẽ đi từ chi tiết về khái quái. Dẫn dắt người đọc tới kết luận cuối cùng của bạn và củng cố lại các luận điểm bạn đưa ra. Đồng thời, từ những kết luận của chương 3, bạn cần đưa ra những khuyến nghị, giáp pháp cho vấn đề của đề tài. Đừng bỏ quên mục hạn chế của khoá luận, phần này bạn sẽ dùng để nêu ra những hạn chế còn tồn tại trong bài luận của bạn, từ đó định hướng cho các nghiên cứu sau này của đề tài.

8. Tài liệu tham khảo

Trích dẫn tài liệu tham khảo không phải một chương nội dung chính của khoá luận nhưng lại cực kỳ quan trọng, nó giúp bạn chứng minh được phần nào độ chính xác của dữ liệu thứ cấp được sử dụng. Ngoài ra, việc trích nguồn tài liệu tham khảo cũng là hành động tôn trọng quyền tác giả trong học thuật. Để có thể dẫn nguồn tài liệu một cách dễ dàng, trong quá trình làm thu thập dữ liệu thứ cấp bạn nên ghi chú lại các nguồn thu thập. Bạn cần sử dụng thống nhất một chuẩn trích dẫn cho khoá luận và nên sử dụng các chuẩn phổ biến như: APA , IEEE.

9. Phụ lục

Phần phụ lục bao gồm những tài liệu như: Bảng hỏi, bảng phỏng vấn sâu, chi tiết các bảng biểu,… Phụ lục có vai trò bổ sung thông tin và dữ liệu liên quan từ đó làm sáng tỏ các lập luận trong nội dung chính. Các bạn có thể đọc thêm thông tin về phụ lục tại đây: https://kiemtratailieu.vn/blog/2023/03/06/phu-luc-la-gi/

Lời kết

Không phải trường đại học nào cũng yêu cầu bạn phải thực hiện khoá luận tốt nghiệp để ra trường, tuy nhiên, nếu có cơ hội bạn nên làm khoá luận tốt nghiệp. Khoá luận tốt nghiệp như một dấu mốc để đóng lại một chặng đường học hành của bản thân. Nó là công cụ để phản ánh những cố gắng, nỗ lực học hành của bạn trong suốt một thời gian dài. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về khoá luận tốt nghiệp và có thể hoàn thành khoá luận tốt nghiệp của mình thật tốt!

Related Posts