Đây là khái niệm thường hay bị nhầm lẫn khi lần đầu sử dụng các hệ thống kiểm tra trùng lặp, đạo văn. Chúng ta hãy cùng phân tích từng khái niệm để hiểu rõ sự khác nhau giữa 2 khái niệm này.

Đạo văn là gì?

Đạo văn là hành vi sao chép nội dung hoặc lấy ý tưởng từ một nguồn khác mà không trích dẫn rõ ràng đến nguồn đó hoặc không được sự cho phép của tác giả. Hành vi này được cho là vi phạm liêm chính học thuật và đạo đức nghề nghiệp. Nó tồn tại không chỉ trong nghiên cứu học thuật mà còn trong những lĩnh vực sáng tạo như văn thơ, âm nhạc, sáng tạo nội dung,…

Trùng lặp là gì?

Trùng lặp là sự tương đồng về mặt nội dung hoặc ý tưởng của một tài liệu hoặc nội dung nào đó, có sự thể hiện bằng sự lặp lại các từ, cụm từ, câu văn hoặc thậm chí toàn bộ văn bản với một tài liệu khác. Sự trùng lặp này có thể là do nội dung phổ thông hay thường thức được nhiều người biết đến. Nó cũng có thể là sự trích dẫn tường minh hợp lệ với một nội dung nào đó từ nguồn tài liệu tham khảo. Hoặc nó là do văn bản của cùng một tác giả nhưng được nhân bản, công bố ở nhiều phương tiện xuất bản khác nhau. Và cuối cùng là do sự đạo văn do vô tình hoặc có chủ đích.

Vậy trùng lặp có phải là đạo văn?

Qua định nghĩa về trùng lặp và đạo văn ở trên, thì ta có thể kết luận rằng trùng lặp không có nghĩa là đạo văn. Mặc dù việc đạo văn được thể hiện bằng sự trùng lặp, tương đồng về mặt nội dung nhưng trùng lặp có thể là do nhiều nguyên nhân khác không phải đạo văn. Sự khác biệt giữa đạo văn và trùng lặp khác nhau là ở hành động tác giả. Trong trường hợp đạo văn, tác giả có ý định sao chép một đoạn văn bản mà không có đề cập đến nguồn gốc hay tác giả của tài liệu được tham khảo. Trong khi đó, trùng lặp có thể là sự trùng lặp nội dung nhưng do nội dung thường thức hoặc nội dung của tài liệu khác nhưng đã được trích dẫn nguồn đúng cách, với sự tôn trọng người viết đến quyền sở hữu của tác giả của tài liệu mà họ tham khảo.

Các phần mềm kiểm tra đạo văn hiện nay đều sử dụng thuật ngữ là trùng lặp (similarity hoặc đối nghịch là unique) mà không phải đạo văn (plagiarism) khi đưa ra kết quả kiểm tra của mình. Nguyên nhân là vì khi đối sánh nội dung, máy tính hiện tại chưa có khả năng phân biệt được nguồn đó là của chính người tải lên hay không, cũng như quy kết là sự trùng lặp đó có phải là đạo văn hay không. Do vậy, phần mềm chỉ mang tính chất là một công cụ hỗ trợ thầy cô và các bạn sinh viên cho việc đánh giá và phát hiện sự trùng lặp nhanh và hiệu quả hơn, thay vì phải vất vả tìm kiếm trên Google từng câu văn và đối chiếu với nhau; còn việc đánh giá sự trùng lặp đó là đạo văn, tự đạo văn hay không đạo văn thì do quy định của cơ sở đào tạo và cơ quan, cá nhân phụ trách quyết định.

Làm thế nào để tránh đạo văn?

Để tránh bị quy kết là đạo văn, bạn nên luôn ghi chú và trích dẫn nguồn khi sử dụng ý tưởng hoặc thông tin từ nguồn khác. Bạn cũng nên cố gắng sáng tạo và viết theo cách của riêng bạn để tránh sự trùng lặp không cần thiết trong văn bản của mình.

Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ phân tích văn bản trực tuyến hoặc phần mềm phát hiện đạo văn như Kiểm Tra Tài Liệu, SmallSEOTool, Turnitin,…. Các công cụ này có thể so sánh văn bản của bạn với hàng ngàn nguồn trực tuyến và tìm ra bất kỳ đoạn văn bản nào giống với nội dung đã được xuất bản trước đó.

Lời kết

Hi vọng bài viết trên đã giải thích được cho bạn về sự khác nhau giữa 2 khái niệm trùng lặp và đạo văn. Nói một cách ngắn gọn thì đạo văn thể hiện bằng sự trùng lặp, nhưng trùng lặp không có nghĩa là đạo văn. Hầu hết các phần mềm check đạo văn hiện nay đều đưa ra kết quả là điểm trùng lặp, là cơ sở để thầy cô, người phụ trách đảm bảo chất lượng có căn cứ để đánh giá tài liệu được kiểm tra là đạo văn hay không. Tuy nhiên, bạn cũng nên sử dụng câu từ và ý tưởng khác nhau trong tài liệu của mình thay vì trích dẫn nguyên văn nguồn tài liệu tham khảo để tránh những sự cố không đáng có liên quan đến đạo văn và bản quyền tác giả.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Related Posts