Phụ lục là gì?
Phụ lục trong tiểu luận, luận văn là một văn bản phụ tương tự mục Tài liệu tham khảo (Mục chứa thông tin về toàn bộ nguồn của các tài liệu được trích dẫn trong luận văn). Phụ lục có vai trò bổ sung thông tin và dữ liệu liên quan từ đó làm sáng tỏ các lập luận trong nội dung chính. Vì vậy, Phụ lục nên được trích dẫn từ nguồn chính thống hoặc nguồn có uy tín cao, đảm bảo được độ chính xác của thông tin.
Không phải bài luận nào cũng cần có Phụ lục, nhưng nếu có thì những nội dung của nó chỉ nên dừng ở việc bổ sung thông tin chứ không được chứa lập luận. Điều này nhằm đảm bảo rằng ngay cả khi loại bỏ Phụ lục, người đọc vẫn có thể hiểu được đầy đủ nội dung của luận văn.
Tuy không có quy định cụ thể về vị trí của Phụ lục nhưng mục này thường được đặt ở cuối bài luận. Một số trường hợp khác, tuỳ vào ý đồ của tác giả, Phụ lục có thể được đưa lên đầu.
Cách viết một Phụ lục tiêu chuẩn
Các loại phụ lục thường gặp
1. Dữ liệu thô
Phụ lục là nơi bổ sung các dữ liệu thô được thu thập trong suốt quá trình nghiên cứu. Trong đó, dữ liệu thô được khuyến khích sử dụng để hỗ trợ thêm cho các luận điểm. Tuy nhiên, phải đảm bảo được rằng các dữ liệu thô được đưa vào có chứa dữ liệu được nhắc đến trong nội dung chính của bài luận.
- Dữ liệu thô có thể chứa mẫu của nghiên cứu hoặc các dữ liệu chứa thông tin mở rộng của thông tin được thảo luận. Các dữ liệu thống kê thô cũng có thể được đưa vào bài luận.
- Có thể đưa các thông tin hữu ích từ nguồn khác vào nếu như nó hỗ trợ kết quả của bài luận. Và phải chắc chắn rằng thông tin đó là chính xác, đồng thời cần trích dẫn minh bạch nguồn tham khảo.
2. Bảng biểu, tranh ảnh
Phụ lục cũng chứa những nội dung minh hoạ như: Bảng biểu, đồ thị, biểu đồ, hình ảnh, bản đồ, tranh vẽ,… Và cũng cần chắc chắn rằng chỉ sử dụng các minh hoạ hỗ trợ cho các lập luận có trong bài luận văn.
- Cả biểu đồ tự tạo hay biểu đồ từ nguồn khác đều được đưa vào phụ lục.
3. Công cụ nghiên cứu
Cần đảm bảo note đủ các công cụ được sử dụng trong nghiên cứu. Có thể là camera, máy thu âm hoặc bất kì thiết bị nào khác đã được dùng để thu thập thông tin. Điều này có thể giúp cho người đọc hiểu được rõ hơn quá trình nghiên cứu.
- Ví dụ, có thể note lại trong phụ lục như sau: “Tất cả cuộc phỏng vấn đều được thực hiện trực tiếp và ghi lại bằng một máy thu âm.”
4. Bản ghi chép kết quả phỏng vấn/khảo sát
Nếu các nội dung trong bài luận được đưa ra từ phỏng vấn/khảo sát thì cần đưa bản ghi chép kết quả phỏng vấn/ khảo sát vào Phụ lục. Bạn cần đảm bảo rằng bản ghi chép bao quát đủ các chi tiết của cuộc phỏng vấn/ khảo sát, bao gồm câu hỏi và câu trả lời. Bạn nên đính kèm bản sao của cuộc phỏng vấn/khảo sát trong Phụ lục.
Định dạng
1. Định dạng tiêu đề của Phụ lục
Tiêu đề của Phụ lục và số thứ tự của Phụ lục được trình bày thành một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; tiêu đề sẽ được trình bày canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm. Ví dụ: “PHỤ LỤC” hoặc viết hoa đầu câu, ví dụ: “Phụ lục”. Cách đặt tiêu đề cần được thống nhất xuyên suốt quá trình làm phụ lục, có thể sử dụng phông và kích cỡ phông giống với phần mở đầu của bài luận.
Nếu có nhiều hơn một phụ lục, sử dụng các chữ số La Mã để đánh số thứ tự các phụ lục. Ví dụ: “PHỤ LỤC I: DỮ LIỆU THÔ”. Cần nhất quán trong việc sử dụng số hay chữ.
Mỗi một Phụ lục sẽ bắt đầu ở một trang mới. Điều này giúp đảm bảo người đọc không bị rối trong việc xác định Phụ lục.
2. Thứ tự của các Phụ lục
Thứ tự của các Phụ lục phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện của nó trong bài luận. Điều này giúp cho người đọc sử dụng Phụ lục một cách hiệu quả nhất.
- Ví dụ, nếu dữ liệu thô được nhắc đến đầu tiên trong bài thì đặt dữ liệu thô là Phụ lục thứ nhất. Hoặc ví dụ, các câu hỏi phỏng vấn được đề cập tới sau cùng thì sẽ là Phụ lục cuối
4. Đánh số trang
Theo Phụ lục I và mẫu trình bày Phụ lục theo Phụ lục III, Nghị định 30/2020/NĐ-CP
Số trang của Phụ lục được đánh số riêng theo từng Phụ lục. Trong đó, số trang sẽ được căn giữa trên cùng của trang.
Chú ý
Cuối cùng, cần kiểm tra lại ngữ pháp, chính tả cũng như toàn bộ nội dung của phụ lục. Hãy đảm bảo rằng các nội dung đưa vào phụ lục đều có liên quan và bổ sung thông tin cho nội dung chính. Đồng thời, đảo lại nội dung chính để chắc chắn rằng không bỏ sót bất kì phụ lục nào.
Bài viết đã nêu ra được định nghĩa cơ bản của Phụ lục và chi tiết cách viết một Phụ lục hoàn chỉnh theo đúng quy chuẩn. Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp các bạn giải đáp được các thắc mắc xoay quanh phụ lục và hoàn thiện thật tốt, đạt điểm tối đa trong bài luận văn của mình.