Trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hành vi đạo văn được coi là một điều cầm kị, nặng hơn là vi phạm pháp luật. Trong các trường đại học hay các cơ sở đào tạo và nghiên cứu học thuật tỷ lệ đạo văn thường được quy định rõ ràng bằng việc ban hành quyết định quy định rõ mức độ trùng lặp cho phép mà sinh viên, học viên và người nghiên cứu cần tuân theo. Khi một tác phẩm có mức độ trùng lặp vượt ngưỡng quy định, nó sẽ được coi là đạo văn. Kiểm Tra Tài Liệu đã tổng hợp lại quy định về mức độ, tỷ lệ trùng lặp cho phép của một vài các cơ sở giáo dục trên cả nước.

1. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

Ngày 12/10/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ban hành Quyết định số 1786/QĐ-ĐHKTQD về việc ban hành Quy định về Liêm chính học thuật trong học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong quy định có nêu rõ:

Mức độ trùng lặp với một hoặc nhiều sản phẩm khác nếu được xác định trên 25% nội dung của toàn bộ sản phẩm sẽ bị coi là vi phạm quy định về liêm chính trong học thuật.

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 1786/QĐ-ĐHKTQD về việc ban hành Quy định về Liêm chính học thuật trong học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

2. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)

Ngày 15/12/2016, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4621/QĐ-ĐHKT-VSĐH về việc ban hành Quy định về kiểm soát và xử lý đạo văn các sản phẩm học thuật. Trong quy định đã nêu rõ:

Các sản phẩm học thuật được xem là phạm lỗi đạo văn nếu theo kết quả kiểm tra của Turnitin có ít nhất sao chép nguyên văn một đoạn văn có 100 từ trở lên; hoặc có 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc và nội dung tương tự các công trình khác.

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 4621/QĐ-ĐHKT-VSĐH về việc ban hành Quy định về kiểm soát và xử lý đạo văn các sản phẩm học thuật

3. Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (UDN)

Ngày 09/01/2017, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-ĐHBK về việc ban hành “Quy định về liêm chính học thuật của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng”. Quy định của trường không nêu rõ mức độ trùng lặp cho phép mà chỉ nêu chung:

Tuỳ theo mức độ đạo văn, tỷ trọng của phần đạo văn so với toàn bộ bài tập, bài báo cáo thí nghiệm, giảng viên quyết định các hình thức từ mức độ trừ 25%, 50%, 75% và cho đến 0 đối với bài làm và nhập thông tin các trường hợp đạo văn vào hệ thống quản lý thông tin của Trường.

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 29/QĐ-ĐHBK về việc ban hành “Quy định về liêm chính học thuật của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng”

4. Học viện Ngân hàng (BA)

Ngày 20/02/2019, Học viện Ngân hàng đã ban hành Quyết định số 119/QĐ-HVNH về việc ban hành “Quy định liêm chính học thuật của Học viện Ngân hàng”. Trong quy định đã nêu rõ:

Hình thức xử lý đối với bài tập cá nhân, bài tập nhóm, tiểu luận môn học, báo cáo thực tập/ chuyên đề tốt nghiệp:

Hình thức xử lý 2 năm đầu tiên kể từ khi áp dụng quy định Năm thứ 3 – Năm thứ 5 kể từ khi áp dụng quy định Sau 5 năm kể từ khi áp dụng quy định
Sản phẩm được chấp nhận Dưới 30% Dưới 25% Dưới 20%
Bị trừ 25% tổng số điểm Từ 30% – dưới 40% Từ 25% – dưới 35% Từ 20% – dưới 30%
Bị trừ 50% tổng số điểm Từ 40% – dưới 50% Từ 35 % – dưới 45% Từ 30% – dưới 40%
Nhận 0 điểm Từ 50% trở lên Từ 45% trở lên Từ 40% trở lên

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 119/QĐ-HVNH về việc ban hành “Quy định liêm chính học thuật của Học viện Ngân hàng”

5. Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU)

Ngày 27/07/2017, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN Hướng dẫn thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong hướng dẫn đã nêu rõ các mức độ trùng lặp được coi là vi phạm lỗi đạo văn:

Trích dẫn phù hợp nhưng sử dụng nội dung trích dẫn chiếm chủ đạo (trên 25% – tính theo từng bài viết; chương; mục, của sách chuyên khảo, luận văn, luận ăn…) so với kết quả nghiên cứu và bàn luận, lý giải của tác giả.

Tự đạo văn (dùng toàn văn 30% nội dung trở lên của một bài viết/ công trình khoa học đã công bố của chính mình) để tái đăng tải/ công bố ở các tổ chức xuất bản khác nhau.

Thông tin chi tiết tại: Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN Hướng dẫn thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội

6. Đại học Kinh tế Luật (UEL)

Ngày 24/05/2021, Trường Đại học Kinh tế – Luật đã ban hành Quyết định số 1587/QĐ-ĐHKTL về việc ban hành Quy định về Trích dẫn và xử lý vi phạm quy định về trích dẫn trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong quy định đã nêu rõ:

Vi phạm về quy định về trích dẫn có thể được thể hiện nhưng không bị giới hạn ở các hình thức sau:

Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm từ 30% nội dung tác phẩm trở lên, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn. Quy định này không áp dụng đối với việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình.

Sử dụng hơn 30% những tác phẩm của mình đã công bố vào những tác phẩm mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn.

Thông tin chi tiết tại: Trường Đại học Kinh tế – Luật đã ban hành Quyết định số 1587/QĐ-ĐHKTL về việc ban hành Quy định về Trích dẫn và xử lý vi phạm quy định về trích dẫn trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học

7. Trường Đại học Trà Vinh (TVU)

Ngày 25/090/2020, Trường Đại học Trà Vinh ban hành Quyết định số 5609/QĐ-ĐHTV về việc ban hành Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Trà Vinh. Trong Quy định có nêu rõ:

Các tác phẩm được xem là mắc lỗi đạo văn nếu theo kết quả kiểm tra của phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin, có ít nhất 01 đoạn văn trùng với đoạn văn trong công trình khác đã có từ 100 từ trở lên; hoặc có từ 30% nội dung văn bản giống với nguồn dữ liệu của các tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc và nội dung tương tự với các công trình khác.

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 5609/QĐ-ĐHTV về việc ban hành Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Trà Vinh

8. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUSSH)

Ngày 20/01/2020, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 02/QQD-XHNV-TTPC-SHTT về việc ban hành Quy định trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quy định đã nêu rõ mức độ trùng lặp sẽ được coi là mắc lỗi đạo văn:

Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm trên 25% nội dung tác phẩm, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn.

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 02/QQD-XHNV-TTPC-SHTT về việc ban hành Quy định trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

9. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUE)

Ngày 05/10/2021, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1684/QĐ-ĐHSP về việc ban hành Quy định Trích dẫn và kiểm tra đạo văn đối với các sản phẩm học thuật tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quy định chỉ rõ các hình thức đạo văn:

Sử dụng một phần hoặc toàn bộ công trình nghiên cứu của người khác để hình thành công trình nghiên cứu của mình với chỉ số trùng lặp hỗn hợp trên 20% (bao gồm cả trường hợp thực hiện đúng quy định về trích dẫn). Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp cần phải trích dẫn các đối tượng nghiên cứu để bình luận, phân tích, minh hoạ cho tác phẩm.

Tự đạo văn là việc sử dụng những sản phẩm học thuật của mình đã công bố để tạo thành công trình nghiên cứu mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả, trong đó chỉ số trùng lặp hỗn hợp khi kiểm tra bằng phần mềm là trên 25%

Thông tin chi tiết tại: Quyết định số 1684/QĐ-ĐHSP về việc ban hành Quy định Trích dẫn và kiểm tra đạo văn đối với các sản phẩm học thuật tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

10. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA)

Trong Dự thảo Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nêu rõ hành vi đạo văn là:

Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác hoặc của mình để hình thành tác phẩm mới có nội dung chiếm từ 30% nội dung tác phẩm được trích dẫn trở lên (bao gồm cả trường hợp có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn).

Thông tin chi tiết tại: Dự thảo Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tổng kết

Bài viết trên đã tổng hợp lại quy định cơ bản về kiểm tra đạo văn của 10 trường Đại học tiêu biểu trong nước. Quy định về mức độ trùng lặp của mỗi trường đều dao động trong khoảng từ 20% – 30%. Tuy nhiên, ngoài mức độ trùng lặp, mỗi trường còn nêu rất nhiều những vi phạm về đạo văn khác nhau. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu rõ về quy định của ngôi trường đang theo học để đảm bảo không vượt quá tỉ lệ trùng lặp cho phép và mắc lỗi đạo văn.

Related Posts