Một câu hỏi mà nhiều thầy cô và trường học bắt đầu sử dụng các phần mềm kiểm tra đạo văn sẽ phân vân và chưa biết nên để mốc điểm trùng lặp bao nhiêu là phù hợp. KTTL cũng đã từng gặp câu hỏi tương tự với trường hợp tài liệu thực sự cần trích dẫn nhiều và đã trả lời về phương hướng xử lý tại đây. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề từ đầu về ý nghĩa tương quan điểm trùng lặp và đạo văn nhé. Hãy cùng trả lời từng câu hỏi nhỏ hơn như sau:
Điểm trùng lặp là gì?
Điểm trùng lặp của một tài liệu là tỉ lệ phần trăm nội dung trong tài liệu đó có tương đồng với một nội dung nào đó ở trong một hoặc nhiều tài liệu khác. Điểm trùng lặp có thể bao gồm những nội dung thực sự đạo văn, những nội dung đã được trích dẫn hay cả những câu văn phổ thông như lời cảm ơn, lời giới thiệu,… Chúng ta sẽ để ý tất cả các phần mềm kiểm tra đạo văn lớn của Việt Nam lẫn nước ngoài đều đưa ra kết quả là điểm trùng lặp (similarity score hay unique score) thay vì điểm đạo văn. Lý do là vì đây là điểm do máy tính và các thuật toán tính toán đưa ra, và máy tính chưa đủ khả năng để quyết định được đó có phải đạo văn hay không. Việc này giống như mặc dù hiện tại luật pháp ngày càng cụ thể và hoàn thiện hơn, nhưng vẫn cần thẩm phán, tòa án để quyết định những vụ án hay tranh chấp. Vấn đề đạo văn đôi khi cũng nhạy cảm giống như việc kết luận tội danh của ai đó, do đó từ cách dùng từ ở đây cũng là quan trọng. Trùng lặp chưa chắc đã là đạo văn, mà nó chỉ là một yếu tố giúp hỗ trợ việc phát hiện đạo văn được dễ dàng hơn.
Đạo văn là gì? Như thế nào là đạo văn?
Theo quy định của nhiều trường đại học Việt Nam, thì hầu hết đều có chung quan điểm rằng: hành vi đạo văn là trích dẫn 1 hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm mới có nội dung chiếm từ ??% (dấu ?? được quy định khác nhau với mỗi trường) nội dung tác phẩm được trích dẫn trở lên, mặc dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn”. Bạn đọc và thầy cô có thể tham khảo quy định của Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Có thể để ý thấy rằng, kể cả đã thực hiện đầy đủ trích dẫn nguồn, nhưng nếu tài liệu có trùng lặp trên một ngưỡng nhất định thì vẫn bị quy là đạo văn. Cái ngưỡng trùng lặp đó không phải là cho phép sinh viên, học viên được đạo văn từng đó % nội dung, mà là ngưỡng cho những nội dung của người khác mà sinh viên được phép trích dẫn vào tài liệu của mình.
Vậy nếu sinh viên sử dụng nội dung mà không trích dẫn thì sao? Hãy nhìn lại điều 1 và 2 trong quy định của Đại học Luật TPHCM (hình chụp ở trên), hành động đó bị coi là đạo văn luôn.
Tóm lại là theo các quy định của nhiều trường đại học hiện nay, nếu sao chép nội dung từ người khác mà không trích dẫn thì là đạo văn, không quan tâm là bao nhiêu phần trăm; nếu trích dẫn hợp lệ, nhưng nội dung trích dẫn lại chiếm tỉ lệ lớn hơn ngưỡng cho phép, cũng bị quy là đạo văn.
Vậy nên quy định điểm trùng lặp là bao nhiêu thì là phù hợp?
Qua phân tích ở trên, chúng ta có thể xác định rằng ngưỡng điểm trùng lặp chính là tỉ lệ nội dung được trích dẫn hợp lệ trong tài liệu. Ngưỡng điểm trùng lặp đó cũng nên bao gồm cả những câu văn phổ thông mà được cho phép giống nhau, ví dụ như lời cảm ơn, giới thiệu, các đề mục,… để đơn giản hóa việc kiểm tra cho các thầy cô (ngưỡng này thường chiếm 1-5% tùy theo độ dài, cấu trúc tài liệu,…). Nếu nghành của thầy cô cần trích dẫn nhiều (như ngành luật chẳng hạn) thì nên để ngưỡng này cao (các trường luật thường để là 30-40%), và ngược lại với những nghành cần trích dẫn ít thì để thấp hơn (thường là để tầm 10-20%).
Do đó, không có con số cố định cho ngưỡng điểm đạo văn là bao nhiêu. Tùy vào đặc điểm của từng nghành, từng môn học, các thầy cô ước tính tỉ lệ này sao cho phù hợp. Các thầy cô nên quy định rõ là ngưỡng này đã bao gồm cả việc trích dẫn hợp lệ, các câu phổ thông,… cũng như yêu cầu bắt buộc trích dẫn nguồn tham khảo để sinh viên, học viên hiểu được và tránh các phản hồi mất thời gian.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các thầy cô trong quá trình sử dụng phần mềm Kiểm Tra Tài Liệu. Cảm ơn các thầy cô và các bạn đã đọc bài.