Bài viết được trích nội dung từ báo Dân trí: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/luan-an-tien-si-cau-long-phu-quy-giat-lui-cua-dao-tao-sau-dai-hoc-20220509153545742.htm
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề luận án tiến sĩ “cầu lông” đang gây xôn xao giới học thuật và dư luận thời gian gần đây, GS.TS NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết Việt Nam cần một hệ thống giáo dục đại học chất lượng. Giáo sư đánh giá: Học thuật nói chung, nghiên cứu khoa học nói riêng là một lĩnh vực cực kỳ nghiêm cẩn, cần tuyệt đối mô phạm (không giả mạo, không bịa đặt, không nói điêu viết điêu, không ăn cắp, không mượn tạm, không sao chép công trình của người khác…). Để loại bỏ dần các luận án kiểu “cầu lông”, thiết nghĩ cần tiến hành 8 giải pháp sau.
Thứ nhất, Thư viện Luận văn – Luận án (chuyên trang Luận văn – Luận án) của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên chỉ là một thư viện đơn thuần theo kiểu là nơi lưu trữ, phân loại, giúp bạn đọc tra cứu, tìm hiểu, tham khảo các luận văn luận án, mà có lẽ cần có một bộ phận phân loại chất lượng luận văn luận án.
Đầu tiên là dùng phần mềm lọc ra tỷ lệ sao chép của các luận văn luận án. Bộ cần có quy định: luận văn luận án sao chép bao nhiêu % thì không được lưu trữ, buộc tác giả phải làm lại, viết lại. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này dao động từ 5% đến tối đa là 20%. Theo tôi, ở ta, trong bước thí điểm có thể du di đến 30% là cùng.
Bên cạnh đó, theo dõi tỷ lệ trích dẫn, xem luận văn luận án ấy có bao nhiêu trích dẫn sau 5 năm, 10 năm, 20 năm bảo vệ. Công khai các con số này trên trang mạng của thư viện. Làm thế, chắc chắn các hội đồng bảo vệ luận án không còn dám “cà trớn quá đáng” với một vấn đề rất nghiêm túc là nghiên cứu khoa học nữa.
Thứ hai, luận án tiến sĩ là công trình nghiên cứu khoa học công phu để giải quyết một vấn đề nào đó về lý thuyết/lý luận và thực tiễn hoặc cả hai, đóng góp cho kho tàng tri thức của đất nước, của nhân loại, cũng như đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. Khi mà các nghiên cứu sinh đều có trình độ tiếng Anh đạt và vượt tiêu chuẩn đầu vào tối thiểu là B2, họ thừa sức viết tóm tắt luận án bằng tiếng Anh để “trình làng”.
Đây là giải pháp giám sát chất lượng đáng tin cậy khi không còn yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi bảo vệ nữa. Cộng đồng khoa học Việt Nam khá nhỏ, nhìn tên đề tài là đã đoán ra ai là người hướng dẫn, ai là phản biện, ai ngồi hội đồng, nên để giám sát chất lượng, đã đến lúc cần sự giám sát của các đồng nghiệp quốc tế. Điều này cũng mang lại sự tin tưởng và trọng thị của cộng đồng khoa học nước ngoài với nền khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ ba, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp như Hội cựu giáo chức đại học, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam cũng nên gắn trách nhiệm với quá trình đào tạo tiến sĩ, chất lượng khoa học của các luận án tiến sĩ theo tư cách là các tổ chức phản biện nghề nghiệp có trách nhiệm với nền học thuật nước nhà. Nếu không, xã hội cũng ít người biết được sự tồn tại của các tổ chức này thực ra là để làm gì.
Thứ tư, Nhà nước xem xét cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, buộc họ phải tập trung toàn thời gian cho nghiên cứu khoa học và học tập trong thời gian làm nghiên cứu sinh; hạn chế tối đa lề thói “tại chức” trong đào tạo nghiên cứu sinh hiện nay. Chúng ta có thể vẫn có nghiên cứu sinh tại chức, nhưng cách thức đào tạo phải thay đổi, hướng tới học thuật chứ không phải chỉ hướng tới tấm bằng.
Trước đây, một thời chúng ta đã có các nghiên cứu sinh trong nước rất chất lượng, đáng nể trọng. Họ chuyển lương, chuyển sinh hoạt Đảng, chuyển tem phiếu về cơ sở đào tạo, sinh hoạt tại cơ sở đào tạo như một thành viên chính thức trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh.
Thứ năm, giảng viên hướng dẫn buộc phải có đề tài nghiên cứu khoa học (trong hoặc ngoài nước). Nghiên cứu sinh tham gia một phần nào đó trong đề tài lớn của thầy; dứt khoát loại bỏ hướng dẫn “chay”.
Thứ sáu, sớm quay về với việc thực hiện Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 trong quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, cả thầy và trò đều phải có trình độ tiếng Anh đủ để tham khảo tài liệu chuyên môn viết bằng tiếng Anh, phải có công bố bài báo khoa học có liên quan đến đề tài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Điều này giúp từng bước đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn với giáo dục đại học của thế giới, theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Thứ bảy, qui định thẩm định lại 5-10% số luận án đã bảo vệ thành công; biện pháp này mang tính răn đe là chính, vì cộng đồng các nhà khoa học cùng chuyên môn của Việt Nam khá nhỏ, nên quan niệm “trăm cái lý không bằng một tý cái tình” sẽ dễ “lên ngôi” làm nảy sinh tư tưởng xuê xoa, dễ người dễ ta, buông xuôi “cho nó lành”, dẫn đến tình trạng “đánh bùn sang ao” có thể sẽ chiếm đa số; nhưng còn hơn là chỉ thẩm định các Luận án “có vấn đề” hay các Luận án được đánh giá là xuất sắc.
Thứ tám, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và hội đồng các cấp thông qua chế tài kiểm soát chất lượng luận văn luận án; chẳng hạn nếu cơ sở đào tạo nào có 3 luận án “cầu lông” trong 3 năm liên tiếp thì cho dừng đào tạo sau đại học ít nhất là 5 năm; Hội đồng nào để lọt luận án như luận án “cầu lông” thì chủ tịch hội đồng không được tham gia hội đồng chấm luận văn luận án các cấp trong 5 năm liên tiếp.
KTTL được phát triển cũng với định hướng như vậy, trở thành một công cụ đồng hành và hỗ trợ đắc lực cho các thầy cô, cơ sở đào tạo trong sứ mệnh xây dựng một môi trường giáo dục liêm chính và chất lượng.
Thầy cô, học viên và các bạn sinh viên có thể đăng ký dùng thử miễn phí tại: https://app.kiemtratailieu.vn/